Thị trường ngách là một nhánh trong thị trường lớn hơn nơi phục vụ tập trung vào một nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể bằng sản phẩm/dịch vụ tốt nhất. Nếu bạn đang loay hoay tìm kiếm ý tưởng cho việc kinh doanh thì việc xác định được thị trường ngách chính là chiến lược tốt nhất. Trong bài viết này, 1Academy sẽ giúp bạn hiểu rõ về thị trường ngách là gì, các ví dụ điển hình và cách xác định thị trường ngách tiềm năng!
1. Thị trường ngách là gì?
Thị trường ngách (Tên tiếng Anh là Niche Market) là một ngách nhỏ của thị trường lớn hơn, nơi chuyên môn hóa và tập trung phục vụ những nhu cầu về một sản phẩm/dịch vụ nhất định.
Những khách hàng mục tiêu của thị trường này sẽ có xu hướng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm/dịch vụ đáp ứng được nhu cầu đặc biệt của họ.
Ví dụ, trong thị trường giày dép thì sẽ có các ngách cho giày được làm từ nguyên vật liệu thân thiện với môi trường hay giày dành riêng cho đi bộ đường dài. Mỗi ngách này sẽ phục vụ những yêu cầu riêng biệt mà không áp dụng cho toàn bộ thị trường đại chúng.
Hầu hết với mỗi thị trường sản phẩm/dịch vụ thì sẽ đều có các ngách để khai thác. Tuy nhiên, để xác định được chúng thì cần có sự am hiểu rõ về những nhu cầu tiềm ẩn của người tiêu dùng.
Lựa chọn tập trung phát triển một thị trường ngách là một quyết định chiến lược để phục vụ một nhóm khách hàng cụ thể tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh.
2. Lợi ích của thị trường ngách
Sự trung thành với thương hiệu
Tham gia vào các ngách cho phép doanh nghiệp gắn kết với một nhóm nhỏ thị trường, từ đó sẽ dễ dàng để nuôi dưỡng mối quan hệ với khách hàng tiềm năng và duy trì lòng trung thành.
Những khách hàng được đáp ứng sẽ nhìn nhận doanh nghiệp giống như một đối tác thực thụ thay vì chỉ là những người bán hàng đơn thuần quan tâm đến tiền của họ.
Cắt giảm chi phí cho các chiến dịch Marketing
Bằng việc tập trung phục vụ một nhóm nhỏ thị trường, doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực cho khách hàng tiềm năng – những người có nhu cầu rõ ràng về sản phẩm/dịch vụ và sẵn sàng ra quyết định mua.
Và vì doanh nghiệp chỉ chuyên môn phục vụ những nhu cầu cụ thể cho tập khách hàng mục tiêu đã được xác định rõ ràng nên có thể triển khai những chiến lược Marketing nhắm đến những đối tượng cụ thể, tránh lãng phí nguồn lực để nhắm đến toàn thị trường.
Tăng doanh thu và lợi nhuận
Khi đã đáp ứng được những nhu cầu cụ thể của khách hàng mục tiêu bằng việc cung cấp những sản phẩm/dịch vụ khác biệt mà chưa có hoặc rất ít nơi trên thị trường cung cấp, khách hàng sẽ có xu hướng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm/dịch vụ đó.
Giảm thiểu sự cạnh tranh trên thị trường
Kinh doanh trong ngách đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ cạnh tranh với rất ít hoặc thậm chí là chưa có đối thủ hiện hữu. Điều này sẽ mang lại cho doanh nghiệp lợi thế hơn hẳn so với các đối thủ khác trên thị trường đại chúng khi cung cấp sản phẩm/dịch vụ khác biệt.
Tuy nhiên, cũng có thể hiện trên thị trường có rất ít khách hàng đang tìm kiếm những sản phẩm/dịch vụ của ngách này. Vì vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp cần xác định được ngách có một lượng nhu cầu tương đối đủ để đáp ứng yêu cầu kinh doanh và có thể sinh lời.
3. 5 bước xác định thị trường ngách phù hợp
Khi đã nắm được khái niệm và những ưu điểm của thị trường ngách thì doanh nghiệp cần bắt đầu thực hiện từng bước một để thiết lập ngách của mình. Sau đây là các bước cơ bản để giúp bạn xác định được ngách phù hợp cho doanh nghiệp của mình.
3.1. Định hình điểm mạnh và sự quan tâm của bạn
Để tiếp cận và khai thác được một thị trường ngách thì cần bắt đầu từ chính sự am hiểu sâu sắc về lĩnh vực đó. Cốt lõi của mọi ngách chính là nhóm người cụ thể trong đó, và bạn sẽ khó có thể thu hút được nhóm này nếu bạn không hiểu hay không phải là một thành viên trong đó.
Bạn có thể thấy những doanh nghiệp/chủ doanh nghiệp thành công sẽ thường phải bắt đầu từ niềm đam mê và sự quan tâm đặc biệt đến một sản phẩm/dịch vụ hay lĩnh vực mà họ tham gia.
Hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân:
- Bạn có năng khiếu hay giỏi ở kỹ năng nào?
- Bạn giải quyết các vấn đề như thế nào?
- Bạn có đam mê hay thích tìm hiểu về những chủ đề nào?
- Bạn dành thời gian rảnh rỗi để làm gì?
- Những người xung quanh bạn (đồng nghiệp, bạn bè, người thân,…) thường nhờ bạn tư vấn về lĩnh vực nào?
Trả lời và sắp xếp hệ thống lại để xác định xem điểm mạnh của mình là gì, từ đó xây dựng những ý tưởng cho ngách mà bạn quan tâm và có tiềm năng.
3.2. Xác định những vấn đề và nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng
Sau khi đã xác định được lĩnh vực mà mình muốn khai thác thì bước tiếp theo bạn cần làm là tìm hiểu về khách hàng tiềm năng của thị trường này:
Cần hiểu rõ khách hàng là những ai, họ cần gì và tại sao họ lại quan tâm đến ngách này.
Chân dung khách hàng được xây dựng dựa trên các yếu tố sau:
- Nhân khẩu học
- Mức chi phí họ sẵn sàng chi trả
- Những tệp khách hàng thường mua sản phẩm/dịch vụ tương tự
- Đặc điểm về sở thích, thị hiếu, hành vi mua hàng,…
Hãy tìm cách xác định “thị phần nhỏ đặc biệt trong toàn thị trường lớn” để tập trung vào một nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu cụ thể.
3.3. Nghiên cứu thị trường
Để phát triển ngách thành công thì hơn hết, bạn cần hiểu rõ mình đang cạnh tranh với ai và họ đang làm gì để thu hút khách hàng. Hiểu được đối thủ, biết được điểm mạnh yếu để từ đó tìm ra cơ hội cho mình khi bắt đầu thâm nhập vào một ngách mới.
Bạn có thể bắt đầu tìm hiểu đối thủ thông qua các nền tảng mạng xã hội, website, công cụ tìm kiếm, catalogue, nhận tư vấn từ nhân viên,… để xem xét về giá cả, danh mục sản phẩm và cách tiếp cận khách hàng của đối thủ, từ đó tìm ra điểm khác biệt của mình trên thị trường.
3.4. Định hướng thị trường ngách và tính khả thi trong sinh lời
Bất kỳ một chiến lược kinh doanh hay dự án nào cũng cần phải tạo ra lợi nhuận nên bạn cần đánh giá được khả năng sinh lời của ngách này thông qua một số yếu tố sau:
- Chất lượng sản phẩm: Được sản xuất thủ công, từ các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường hay từ chất liệu cao cấp hơn hẳn?
- Mức giá: Doanh nghiệp có chiến lược định giá cao hay giá cạnh tranh? Khách hàng mục tiêu có sẵn sàng chi trả ở mức giá này không?
- Địa điểm thị trường: Khách hàng mục tiêu đang tập trung ở những khu vực nào?
- Sản phẩm/Dịch vụ mà bạn cung cấp có phải là thứ mà khách hàng sẽ không thể thiếu hay không? Liệu họ có tiếp tục quay lại và mua sau đó hay không?
- Hiện trên thị trường đã có ai khai thác thị trường này hay chưa? Nếu đã có thì sản phẩm/dịch vụ của bạn có gì khác biệt?
Ý tưởng ngách của bạn có thể sẽ sinh lời nếu bạn nghiên cứu trên thị trường và tìm thấy những sản phẩm/dịch vụ tương tự nhưng có rất ít doanh nghiệp kinh doanh.
Tuy sẽ có những sản phẩm/dịch vụ giúp bạn kiếm lời nhanh chóng nhưng nếu chỉ là một cơn sốt trong một thời gian ngắn rồi nhanh chóng được thay thế thì đây sẽ không phải là ý tưởng kinh doanh lâu dài bền vững.
3.5. Thử nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ
Hãy thử tạo ra một trang website đơn giản hoặc landing page cho doanh nghiệp để khách hàng có thể tìm thấy bạn. Trong giai đoạn thử nghiệm này, hãy cho khách hàng thời gian dùng thử sản phẩm/dịch vụ hoặc có những ưu đãi, khuyến mãi đặc biệt để xem xét được phản hồi, đánh giá từ khách hàng và có những điều chỉnh cho phù hợp.
Trong bước này, bạn hoàn toàn có thể sử dụng quảng cáo trả phí để tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn và đánh giá được tiềm năng của thị trường.
4. Cách tìm kiếm thị trường ngách hiệu quả
4.1. Tìm kiếm qua các công cụ tìm kiếm trực tuyến
Đây được coi là một cách nghiên cứu về các ngách hiệu quả, đơn giản và hoàn toàn không mất phí. Google Trend là một trong những công cụ miễn phí cho phép người dùng phân tích mức độ phổ biến của những tìm kiếm hàng đầu trên nền tảng tìm kiếm Google. Với biểu đồ và dữ liệu trực quan, người dùng có thể dễ dàng so sánh được lượng tìm kiếm của các tìm kiếm khác nhau theo thời gian thực.
Bên cạnh đó, Google Trend còn có thể được sử dụng để kiểm tra mức độ phổ biến của các từ khóa về chủ đề hay sản phẩm/dịch vụ nào đó. Do đó, doanh nghiệp có thể sử dụng để phân tích tiềm năng của các thị trường ngách khác nhau.
4.2. Tìm kiếm qua các trang thương mại điện tử
Hiện nay, các trang thương mại điện tử là một trong những kênh bán hàng tiềm năng, ẩn chứa nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn và được đông đảo đại chúng ưa chuộng. Có thể kể đến một số cái tên lớn như Shopee, Lazada, Taobao hay Tiki với độ bao phủ rộng rãi.
Bạn có thể tìm thấy xu hướng mua hàng của khách hàng trên các trang thương mại điện tử để tìm ra ngách thích hợp với mình. Điểm sáng của phương thức này là thông tin được sắp xếp khoa học, dễ nhìn giúp bạn nhanh chóng phân tích và xem xét các dữ liệu cần thiết cho việc lên ý tưởng kinh doanh.
4.3. Tìm đến các cộng đồng trực tuyến
Với sự bùng nổ của các trang mạng xã hội trực tuyến thì việc tìm kiếm được các cộng động, hội nhóm có cùng đam mê, nhu cầu và sở thích là không hề khó. Đây cũng được coi là một kênh marketing miễn phí cho bạn tiếp cận đến nhóm khách hàng mục tiêu.
Hãy chọn những nhóm cộng đồng có lượng thành viên lớn tương đối và có chung quan tâm đến chủ đề về sản phẩm/dịch vụ mà bạn dự định cung cấp.
5. Các ví dụ điển hình về thị trường ngách với sản phẩm cụ thể
5.1. Sản phẩm gắn với trách nhiệm xã hội
Phát triển bền vững đã và đang là một trong những mối quan tâm lớn của người tiêu dùng. Các khảo sát hàng năm cho thấy phần lớn khách hàng sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng của mình hay thậm chí là chi trả nhiều hơn để giảm thiểu tác động đến môi trường. Điều này đối với một số người cũng đồng nghĩa với việc đầu tư vào những sản phẩm/dịch vụ có chất lượng cao và có thể sử dụng lâu dài.
Một loại sản phẩm bền vững có thể kể đến là các phiên bản sản xuất thuần chay, thân thiện với môi trường hoặc không được thử nghiệm trên động vật. Nếu một sản phẩm được thị trường sử dụng thường xuyên thì rất có thể sẽ có một nhóm người tiêu dùng sẵn sàng đón nhận và chuyển đổi sang các giải pháp thay thế xanh.
Ví dụ, thương hiệu Bee’s Wrap cung cấp các loại giấy bọc thực phẩm được làm từ sáp ong thay cho nhựa. Sản phẩm của họ không chỉ thân thiện với môi trường mà còn tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng nhờ việc có thể tái sử dụng
5.2. Sức khỏe thể chất và tinh thần
Các chuyên gia dự đoán thị trường chăm sóc sức khỏe tinh thần toàn cầu sẽ đạt đến 4.5 nghìn tỷ USD vào năm 2028. Các ngách trong thị trường này bao gồm sản phẩm chăm sóc cá nhân, dinh dưỡng, yoga, các liệu pháp chăm sóc,…
Một ngách nổi bật mà doanh nghiệp có thể chú ý đến là phương pháp chánh niệm. Ứng dụng thiền định Headspace thu hút hơn 1 triệu lượt tải trong mỗi quý hay Ứng dụng hàng đầu trong chăm sóc giấc ngủ qua thiền định – Calm thu về hơn 20 triệu USD mỗi quý từ các giao dịch mua hàng trong ứng dụng.
5.3. Thể thao
Sự gia tăng trong mức sống và sức mua tại Việt Nam trong những năm gần đây đã cho thấy nhu cầu ngày càng lớn đối với các sản phẩm và dịch vụ/trải nghiệm liên quan đến lĩnh vực thể thao. Sự chuyển đổi trong nền kinh tế đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các thương hiệu để tiếp cận khách hàng và tận dụng sự quan tâm đối với thể thao nói chung và các bộ môn thể thao trong các ngách nhỏ.
Nike tuy được ra mắt sau Adidas – thương hiệu đã có tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường lúc bấy giờ, nhưng Nike tập trung chủ lực vào loại giày thể thao dành riêng cho những vận động viên chuyên nghiệp. Tận dụng hình ảnh của những vận động viên nổi tiếng, Nike đã phát triển và ra mắt thành công một loạt các sản phẩm thời trang thể thao khác như quần áo, mũ, tất,… bên cạnh giày.
5.4. Du lịch
Xu hướng du lịch ngày nay đã dần phổ biến hình thức “du lịch trải nghiệm”, nơi du khách tham gia nhiều vào các hoạt động văn hóa thay vì chỉ tham quan hay nghỉ dưỡng đơn thuần. Sự gia tăng của hình thức làm việc từ xa cũng đã hình thành nên một nhóm du khách mới đó là “những người du khách kỹ thuật số” (tên tiếng Anh là Digital nomads). Họ là những người trong khi du lịch vẫn sẽ xử lý và giải quyết các công việc của mình.
Normatic, một thương hiệu chuyên kinh doanh hành lý, balo, túi xách,… đã tiếp cận đến thị trường đặc biệt này và tập trung sản xuất các loại sản phẩm đa năng, gọn nhẹ cho di chuyển mà vẫn hiệu quả để chứa đồ. Bạn có thể nhìn thấy cách Normatic định vị thương hiệu của mình hướng đến tệp khách này trên chính website thương mại điện tử của họ.
5.5. Thị trường game
Trên toàn cầu, có đến hơn 3 tỷ người chơi game và gần nửa trong số đó sẵn sàng chi tiêu cho sở thích, đam mê của mình, góp phần tạo nên một ngành công nghiệp khổng lồ được dự đoán sẽ đạt giá trị hơn 200 tỷ USD vào năm 2025.
Đối với những người có đam mê với game thì họ có thể có nhu cầu với các phần cứng có thể tùy chỉnh để phù hợp với nhu cầu cá nhân.
Glorious PC Gaming Race (hay còn gọi là Glorious) là công ty chuyên sản xuất và kinh doanh phần cứng chơi game cho PC và các phụ kiện như chuột PC, pad di chuyển, móc treo tai nghe,…
Với mục tiêu cung cấp sản phẩm có hiệu năng vượt trội, độ hoàn thiện cao, thiết kế thẩm mỹ trong mức giá phù hợp cho đại chúng, Glorious đã khuấy động thị trường gaming gear và được mọi người hưởng ứng, đón nhận nhiệt tình.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn nắm rõ được khái niệm về thị trường ngách, các phương pháp chi tiết xác định ngách tiềm năng để có thể khám phá ra thị trường phù hợp cho riêng mình và bắt đầu hoạt động kinh doanh!