Bạn đã từng bao giờ nhận thấy ở những người xung quanh một “điều gì đó” khiến cho họ nổi bật hơn hẳn so với mọi người. “Điều gì đó” đó chính là năng lực cốt lõi của mỗi người – những điểm mạnh “độc nhất vô nhị” hay khả năng làm gì đó khiến cho họ có năng lực cạnh tranh và khác biệt nhất định.
Vậy năng lực cốt lõi là gì và làm thế nào để xác định năng lực cốt lõi cho riêng bản thân? Hãy cùng 1Academy tìm hiểu ngay trong nội dung của bài viết dưới đây!
1. Năng lực cốt lõi là gì?
Năng lực cốt lõi là tập hợp những phẩm chất, kiến thức, kỹ năng hay khả năng độc đáo giúp cho cá nhân/tổ chức sở hữu thực hiện các nhiệm vụ/công việc một cách hiệu quả, xuất sắc và định vị được lợi thế cạnh tranh hay điểm khác biệt nổi trội cho mình so với toàn bộ.
Những năng lực cốt lõi này sẽ khó có thể sao chép hay bắt chước và không thể thay thế, được hình thành từ sự kết hợp giữa các kỹ năng cụ thể và mức độ thành thạo đối với kỹ năng đó. Ta có thể biểu thị cấu thành năng lực cốt lõi theo công thức sau:
Năng lực cốt lõi = Kỹ năng + Mức độ thành thạo (Hành vi và Khả năng) |
Ta thường hay nhầm lẫn giữa kỹ năng và năng lực cốt lõi nhưng về bản chất thì chúng có những điểm khác nhau nhất định:
- Kỹ năng chỉ đề cập đến những khả năng cụ thể ở trong một số lĩnh vực nhất định
- Năng lực cốt lõi là sự kết hợp giữa kỹ năng, kiến thức và các hành vi giúp ta thực hiện điều gì đó đặc biệt tốt hơn những người khác.
Phân loại năng lực cốt lõi:
- Năng lực cốt lõi của tổ chức: Mấu chốt trong mỗi doanh nghiệp thành công là một tập hợp các năng lực cốt lõi bao gồm kỹ năng, khả năng,… giúp tổ chức nổi bật hơn hẳn so với đối thủ cạnh tranh và thu hút được khách hàng mục tiêu.
- Năng lực cốt lõi của cá nhân: Đây có thể là những kỹ năng hay tài năng độc đáo mang lại cho bạn lợi thế cạnh tranh.
Ví dụ, trong một đội ngũ marketing, các nhân viên có thể cần đến: sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, sự hiểu biết về mạng xã hội, tài kể chuyện thu hút,…
2. Vai trò của năng lực cốt lõi
Ba câu hỏi “Cái gì”, “Tại sao” và “Như thế nào” chính là nền tảng của năng lực cốt lõi:
- Điều gì khiến bạn trở nên khác biệt so với người khác?
- Tại sao bạn lại chọn yếu tố đó?
- Và quan trọng nhất, bạn cần làm thế nào để đạt được điều đó?
Trong một bài báo được đăng trên Harvard Business Review, tác giả C.K. Prahalad và Gary Hamel đã cho biết một yếu tố được coi là năng lực cốt lõi nếu đáp ứng 3 điều kiện sau:
- Nó mang lại giá trị hay lợi ích vượt trội cho khách hàng
- Đối thủ cạnh tranh có thể khó mà sao chép hay bắt chước
- Nó hiếm có thể tìm thấy ở nhiều người
2.1. Đối với tổ chức
Năng lực cốt lõi bao gồm sự kết hợp giữa các kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật cụ thể, tư duy chiến lược và sự hiểu biết sâu sắc về công ty để từ đó giúp tổ chức trở nên khác biệt trên thị trường cạnh tranh. Năng lực cốt lõi ta có thể coi chúng như một “DNA” của tổ chức vậy.
Cùng với đó thì các tổ chức sẽ ưu tiên tuyển dụng các ứng viên sở hữu bộ kỹ năng cần thiết này vì họ sẽ có khả năng để hòa nhập nhanh chóng và đảm bảo tiến độ cho các hoạt động của công ty.
- Tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững: Dù ở bất kỳ thời điểm nào thì mọi công ty sẽ đều phải đối mặt với rất nhiều đối thủ khác. Vì vậy, để có thể tồn tại và phát triển trên thị trường, công ty cần xác định được cho mình năng lực cốt lõi khác biệt
- Kim chỉ nam cho các quyết định chiến lược: Năng lực cốt lõi sẽ giúp công ty định hình được đường đi chiến lược của mình, điều này cũng ảnh hưởng đến các quyết định về thị trường, phát triển sản phẩm hay phân bổ nguồn lực hợp lý
- Gia tăng sự hài lòng của khách hàng: Bằng việc trở nên xuất sắc trong lĩnh vực, doanh nghiệp có thể mang đến giá trị vượt trội cho khách hàng, từ đó nâng cao sự hài lòng và lòng trung thành của khách hàng dành cho doanh nghiệp.
- Khả năng thích ứng: Việc sở hữu năng lực cốt lõi mạnh mẽ có thể cung cấp cho công ty một nền tảng phát triển ổn định và có thể nhanh chóng thích ứng với những thay đổi và biến động trên thị trường.
2.2. Đối với cá nhân
Năng lực cốt lõi cá nhân là sự kết hợp giữa các kỹ năng, kỹ thuật và đặc điểm hành vi giúp xác định thế mạnh chuyên môn .
- Ở cấp độ cá nhân, việc xác định đúng và tập trung phát triển năng lực cốt lõi sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển trong sự nghiệp.
- Năng lực cốt lõi cho phép mỗi người tập trung vào những gì mình làm tốt nhất để đảm bảo hiệu quả và hiệu suất tối đa. Bằng việc tận dụng các điểm mạnh, cá nhân có thể tránh việc lạc lõng giữa nhiều mục tiêu và tiến bộ nhanh hơn.
- Khi được theo đuổi các vai trò phù hợp với năng lực cốt lõi, các cá nhân có thể tận dụng thế mạnh này để duy trì động lực làm việc và tìm thấy sự hài lòng trong công việc mình làm, từ đó sẽ có thể đóng góp tích cực hơn vào kết quả tổng thể của doanh nghiệp.
Để đạt được những điều này, nhân viên nên tập trung phát triển các kỹ năng chuyên môn quan trọng đối với vị trí hoặc tổ chức mà họ hướng đến.
Trên thực tế, nếu năng lực cốt lõi của cá nhân và tổ chức giao thoa với nhau thì cả hai bên sẽ đều đạt được những lợi ích nhất định:
- Nhân viên có khả năng tham gia sâu vào các hoạt động công việc và tạo ra những đóng góp có ý nghĩa hơn
- Tổ chức phát triển mạnh mẽ nhờ việc có một đội ngũ nhân viên có động lực, thúc đẩy sự sáng tạo và mang lại thành công bền vững.
3. Cách thức xác định năng lực cốt lõi
3.1. Đánh giá về thế mạnh của bản thân
Hãy dành ra thời gian để suy ngẫm về những thành tích lớn nhất của mình trong lĩnh vực hoặc vai trò nhất định và xác định các chủ đề hoặc mẫu số chung góp phần dẫn đến những thành công này. Cần đặc biệt chú ý đến những kỹ năng hay khả năng cụ thể giúp bạn đạt được những thành tựu đó.
3.2. Tự đánh giá bản thân
Hãy thử nghĩ về những khoảnh khắc khiến bạn cảm thấy gắn kết và thành công trong công việc. Những kỹ năng nào đã được sử dụng trong những trải nghiệm đó?
Ví dụ, nếu bạn thường xuyên hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn và xác định được ưu tiên trong công việc một cách hiệu quả thì kỹ năng quản lý thời gian có thể là năng lực cốt lõi của bạn.
Bạn có thể tham khảo một số cách để xác định thế mạnh của mình và áp dụng vào thực tế công việc như bài test CliftonStrengths, Myers–Briggs Type Indicator (MBTI) hay StrengthsFinder.
3.3. Xem xét lại các kỹ năng của bản thân
Xác định những lĩnh vực cần cải thiện và những lĩnh vực có thể trở thành thế mạnh nếu có lộ trình phát triển đúng đắn.
Ví dụ, nếu bạn nhận thấy mình còn yếu trong kỹ năng phân tích thì có thể tham gia các khóa đào tạo phân tích dữ liệu để cải thiện
Hãy tiến hành sàng lọc và xem xét lại để xác định được điểm mạnh của mình so với mọi người, nghiên cứu lộ trình phát triển của những người đã thành công trong ngành và so sánh bộ kỹ năng của họ với bản thân.
3.4. Đánh giá 360 độ
Sử dụng đánh giá 360 độ để thu thập phản hồi từ đồng nghiệp, người quản lý trực tiếp hay nhân viên của bạn để đánh giá về kỹ năng và năng lực của bản thân. Quá trình này có thể giúp bạn khám phá ra những đặc điểm nổi bật của bản thân mà đã có thể bị bỏ sót trong quá trình tự đánh giá trước đó.
>> Xem thêm: Mẫu đánh giá 360 độ tối ưu và chính xác nhất |
3.5. Phân tích mô tả công việc
Thực hiện phân tích mô tả công việc theo từ khóa để xác định những kỹ năng và năng lực cốt lõi thường được yêu cầu trong lĩnh vực ngành nghề của mình.
Ví dụ, nếu kỹ năng “phân tích dữ liệu” thường xuyên xuất hiện trong các mô tả công việc thì đây có thể là năng lực cốt lõi dành cho vị trí công việc đó. Sau đó, bạn có thể xây dựng một ma trận để đối chiếu những kỹ năng của mình với các năng lực được liệt kê trong các mô tả công việc và làm nổi bật những điểm mà bạn phù hợp nhất.
3.6. Tùy chỉnh khung năng lực
Thiết lập một mô hình hoặc khung năng lực tùy chỉnh phù hợp với tiêu chuẩn của ngành/lĩnh vực, đồng thời tích hợp với các mục tiêu nghề nghiệp và thế mạnh của bạn.
Quá trình này sẽ giúp bạn xác định các lĩnh vực cần phát triển vượt trội, đồng thời tận dụng thế mạnh để thành công trong sự nghiệp.
3.7. Mạng lưới học tập cá nhân (Personal Learning Networks)
Mạng lưới học tập cá nhân là sự kết hợp giữa các nguồn học tập chính thức và không chính thức mà bạn có thể tự mình điều hướng.
Cập nhật kiến thức và nâng cao năng lực cốt lõi của mình qua việc sử dụng mạng xã hội, các nhóm chuyên môn hay diễn đàn trực tuyến để thảo luận và cải thiện các kỹ năng cụ thể trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
4. Một số năng lực cốt lõi phổ biến
4.1. Năng lực lãnh đạo
Đây là khả năng có thể hướng dẫn, chỉ đạo và truyền cảm hứng cho đội ngũ để hướng đến đạt mục tiêu chung và thúc đẩy sự phát triển của từng cá nhân
Các cấp độ thành thạo:
- Cấp độ cơ bản: Cung cấp sự hướng dẫn cho các thành viên
- Cấp độ trung cấp: Hỗ trợ và tạo điều kiện để các thành viên đạt được mục tiêu đội nhóm
- Cấp độ thành thạo: Có thể giúp các cá nhân phát triển kỹ năng, đạt được mục tiêu nhóm và khai phá tiềm năng của họ.
- Cấp độ nâng cao: Có khả năng cố vấn từng cá nhân và cung cấp các cơ hội phát triển
- Cấp độ chuyên gia: Có thể dẫn dắt đội nhóm với một tầm nhìn rõ ràng, vạch ra các chiến lược cho toàn bộ tổ chức
4.2. Năng lực quản lý dự án
Đây là khả năng lập kế hoạch, tổ chức, triển khai và giám sát các nguồn lực để đạt được mục tiêu dự án đúng thời hạn, trong phạm vi ngân sách đề xuất và đảm bảo được chất lượng đầu ra.
Các cấp độ thành thạo:
- Cấp độ cơ bản: Có thể hỗ trợ quản lý các nhiệm vụ công việc đơn giản trong dự án và tuân thủ theo kế hoạch đã đề ra.
- Cấp độ trung cấp: Có thể lập kế hoạch, tổ chức và quản lý dự án nhỏ hoặc các phần của dự án lớn.
- Cấp độ thành thạo: Có thể quản lý toàn bộ dự án vừa và lớn, bao gồm việc lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực, quản lý rủi ro và giám sát tiến độ thực hiện.
- Cấp độ nâng cao: Có thể tối ưu hóa việc thực hiện nhiều dự án đồng thời, đảm bảo hiệu quả và phối hợp giữa các nhóm chức năng có liên quan trong tổ chức.
- Cấp độ chuyên gia: Có thể lãnh đạo các dự án chiến lược ở cấp tổ chức, xây dựng các phương pháp quản lý dự án hiệu quả và tạo ra tác động đến doanh nghiệp.
4.3. Năng lực giải quyết vấn đề
Đây là khả năng nhận diện và phân tích vấn đề để từ đó tìm ra giải pháp tối ưu và thực hiện chúng.
Các cấp độ thành thạo:
- Cấp độ cơ bản: Có thể nhận diện được vấn đề đang tồn đọng
- Cấp độ trung cấp: Có thể nhận diện vấn đề và đề xuất các giải pháp
- Cấp độ thành thạo: Có thể đánh giá các giải pháp và tìm ra hướng đi phù hợp nhất với tình huống
- Cấp độ nâng cao: Có thể nhận diện được các mẫu chung và xu hướng nổi bật trong vấn đề
- Cấp độ chuyên gia: Có thể dự đoán sự phát sinh của vấn đề và có biện pháp ngăn chặn từ đầu
4.4. Năng lực thích ứng
Đây là khả năng thay đổi và điều chỉnh bản thân để phù hợp với các tình huống hay môi trường mới.
Các cấp độ thành thạo:
- Cấp độ cơ bản: Có thể nhận ra sự cần thiết của việc thay đổi và điều chỉnh hành vi của bản thân.
- Cấp độ trung cấp: Có thể chấp nhận sự thay đổi và làm việc hiệu quả trong môi trường mới mà không gặp nhiều khó khăn.
- Cấp độ thành thạo: Có thể quản lý thay đổi một cách chủ động và giúp đội nhóm thích ứng nhanh với môi trường thay đổi.
- Cấp độ nâng cao: Có thể tối ưu quá trình thích ứng, quản lý thay đổi ở quy mô lớn và giảm thiểu tối đa sự kháng cự của các bên liên quan.
- Cấp độ chuyên gia: Có thể dẫn dắt tổ chức qua các thay đổi lớn và tái cấu trúc, xây dựng văn hóa linh hoạt và sẵn sàng thích ứng trong mọi hoàn cảnh.
4.5. Năng lực thấu cảm
Đây là khả năng thấu hiểu và chia sẻ với những cảm xúc của những người khác.
Các cấp độ thành thạo:
- Cấp độ cơ bản: Có thể đồng cảm với những cảm xúc cơ bản.
- Cấp độ trung cấp: Có thể đồng cảm với nhiều loại cảm xúc để từ đó giao tiếp hiệu quả với đối phương, thể hiện khả năng lắng nghe tích cực và thông cảm trong tương tác
- Cấp độ thành thạo: Có thể đồng cảm với những cảm xúc và tình huống phức tạp, từ đó điều chỉnh cách giao tiếp để hiểu và có ứng xử phù hợp với cảm xúc, suy nghĩ của người khác.
- Cấp độ nâng cao: Có thể đồng cảm, thấu hiểu và giao tiếp hiệu quả với nhiều nhóm cảm xúc, hướng dẫn được người khác phát triển kỹ năng thấu cảm và thúc đẩy văn hóa hợp tác, hòa nhập
- Cấp độ chuyên gia: Có thể đồng cảm, thấu hiểu, giao tiếp và dự đoán diễn biến cảm xúc. Đồng thời, xây dựng được văn hóa đồng cảm trong đội nhóm bằng việc đặt ra những kỳ vọng rõ ràng, thúc đẩy kỹ năng lắng nghe tích cực và hỗ trợ sự phát triển, trưởng thành của từng cá nhân.
4.6. Năng lực đàm phán
Đây là khả năng trình bày và bảo vệ cho ý kiến, quan điểm của mình, sử dụng giao tiếp thuyết phục để ảnh hưởng đến quyết định của người khác hoặc thúc đẩy hành động cụ thể.
Các cấp độ thành thạo:
- Cấp độ cơ bản: Có thể thương lượng và đạt được thỏa thuận trong các tình huống đơn giản
- Cấp độ trung cấp: Thương lượng được những ý tưởng phức tạp và đạt đến thỏa thuận.
- Cấp độ thành thạo: Có thể đàm phán các vấn đề chiến lược, giải quyết tranh chấp và đạt được kết quả tốt nhất cho đội nhóm.
- Cấp độ nâng cao: Có thể xử lý các tình huống đàm phán phức tạp như giải quyết xung đột, trao đổi giao dịch hay khởi động các dự án mới.
- Cấp độ chuyên gia: Có thể dẫn dắt các cuộc đàm phán quan trọng ở cấp độ tổ chức, định hình các chính sách hoặc các sáng kiến, ý tưởng hợp tác lớn.
4.7. Năng lực tạo động lực
Đây là khả năng khơi dậy và duy trì sự nhiệt huyết, động lực trong đội nhóm để đạt đến những mục tiêu chung.
Các cấp độ thành thạo:
- Cấp độ cơ bản: Có thể khuyến khích và động viên các cá nhân trong đội nhóm để hoàn thành công việc.
- Cấp độ trung cấp: Có thể tạo động lực cho đội nhóm, giúp họ vượt qua được những thử thách, khó khăn và duy trì hiệu suất công việc.
- Cấp độ thành thạo: Có thể duy trì động lực bền vững trong đội nhóm, thúc đẩy sự cam kết và đạt được các mục tiêu lớn.
- Cấp độ nâng cao: Có thể tạo ra một môi trường văn hóa động lực cao, khuyến khích sự sáng tạo và tinh thần làm việc nhóm mạnh mẽ.
- Cấp độ chuyên gia: Có thể lãnh đạo và truyền cảm hứng cho tổ chức, tạo ra các chiến lược động viên và phát triển toàn diện cho nhân viên.
5. Làm thế nào để cải thiện và phát triển năng lực cốt lõi
Cải thiện và phát triển năng lực cốt lõi cho cá nhân đòi hỏi tiếp cận một cách có cấu trúc và rõ ràng ngay từ đầu, bao gồm việc tự đánh giá, thực hành thực tiễn, đào tạo và không ngừng nhận phản hồi đánh giá.
5.1. Nhận diện các năng lực chính của bản thân
Hãy bắt đầu bằng việc xác định các năng lực cốt lõi phù hợp với mục tiêu cá nhân và công việc của bản thân, ví dụ như:
- Các chuyên môn kỹ thuật liên quan đến ngành nghề
- Các kỹ năng mềm như giao tiếp, lãnh đạo, giải quyết vấn đề linh hoạt, khả năng làm việc nhóm và hợp tác…
- Sự linh hoạt và khả năng tiếp thu những kiến thức mới một cách nhanh chóng
Việc xác định trình độ kỹ năng hiện tại của bạn trong nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bản thân và sự nghiệp.
5.2. Đặt mục tiêu phát triển cụ thể
Khi đặt mục tiêu cải thiện và phát triển cho từng năng lực, hãy đảm bảo chúng được cụ thể, có thể đo lường rõ ràng, có tính khả thi và có thời hạn đánh giá chặt chẽ. Bạn có thể dụng phương pháp đặt mục tiêu SMART – dựa trên 5 yếu tố chính là Specific (Cụ thể), Measurable (Đo lường được), Achievable (Khả thi), Realistic (Thực tế) và Time-bound (Có thời hạn).
Ví dụ, nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp, bạn có thể đặt ra mục tiêu hoàn thành một khóa học thuyết trình trước đám đông và thực hành một số bài nói trong vòng 6 tháng.
5.3. Xây dựng kế hoạch học tập
Vạch ra một kế hoạch học tập toàn diện, chi tiết để đạt đến mục tiêu cuối cùng, bao gồm:
- Tham gia các chương trình đào tạo chính thức như các khóa học, hội thảo, hội nghị, workshop,…
- Thực hành đào tạo tại chỗ hoặc thử sức ở các vị trí khác nhau để trau dồi năng lực.
- Tìm kiếm sự hướng dẫn từ những chuyên gia có bề dày kinh nghiệm.
- Dành thời gian cho việc tự học để nâng cao kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
5.4. Thực hành thường xuyên, liên tục
Để phát triển năng lực cốt lõi, bạn cần phải thực hành và áp dụng các kỹ năng liên quan thường xuyên. Hãy tích hợp các kỹ năng mới này vào quy trình công việc hàng ngày hoặc các hoạt động cá nhân bất cứ khi nào có thể.
Việc sử dụng và rèn luyện các kỹ năng thường xuyên trong các tình huống thực tế sẽ giúp chúng trở nên quen thuộc và tự nhiên hơn. Theo thời gian lâu dài, sự nỗ lực bền bỉ này sẽ làm tăng cường đáng kể sự tự tin và thành thạo của bạn đối với kỹ năng cần trau dồi.
5.5. Tiếp nhận phản hồi từ nhiều bên
Hãy luôn liên tục tìm kiếm phản hồi, đánh giá từ đồng nghiệp, người cố vấn hay cấp quản lý để có điều chỉnh cải thiện phù hợp. Những đối tượng này sẽ là những người trực tiếp thấy được cách thức bạn thực hiện hàng ngày và có thể đưa ra những nhận xét đóng góp có giá trị tích cực.
Bạn có thể hỏi về những điểm mạnh của mình để có thể phát huy hiệu quả và những lĩnh vực mà bạn có thể phát triển thêm. Cần lưu ý rằng, bạn nên chọn những người mà bạn có thể tin tưởng để nhận những lời góp ý mang tính xây dựng thay vì chỉ nghe những gì mà bạn muốn nghe. Những phản hồi đánh giá trung thực sẽ mang lại tác động lớn nhất giúp bạn nhận diện được những điểm còn thiếu sót và các lĩnh vực cần phát triển thêm.
Như vậy, trong bài viết trên, 1Academy đã giúp bạn có cái nhìn rõ ràng và sâu sắc hơn về bản chất năng lực cốt lõi, các năng lực phổ biến để bạn có thể khẳng định được vai trò của mình trong đội nhóm và tổ chức. Việc phát triển những năng lực cốt lõi cho riêng mình sẽ có thể giúp bạn cải thiện hiệu suất, đảm nhận nhiều vai trò hơn và có những tiến bộ vượt bậc trong nấc thang sự nghiệp của bản thân!