Ikigai là một thuật ngữ tiếng Nhật đề cập đến một triết lý cổ xưa đã bao trùm lên phương cách sống của một bộ phận người dân Nhật. Trong bài viết dưới đây, 1Academy sẽ giải thích về nguồn gốc, tầm quan trọng, ý nghĩa của Ikigai và cách để xác định Ikigai của chính mình.

1. Ikigai là gì?

Ikigai là một khái niệm bắt nguồn từ chính văn hóa Nhật. Trong đó, “iki” là cuộc sống và “gai” là giá trị trong tiếng Nhật. Ghép lại thì Ikigai có thể hiểu rằng mỗi người đều có một mục đích sống riêng để cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Đây có thể điều mang đến niềm vui và cho bạn cảm hứng để thức dậy mỗi ngày.

Ikigai là gì?
Ikigai là gì?

Trong khi theo triết lý truyền thống của Nhật thì Ikigai tập trung vào việc tìm kiếm hạnh phúc và giá trị trong cuộc sống, nhưng ở các nước phương Tây thì thuật ngữ này thường được sử dụng để tìm kiếm con đường sự nghiệp lý tưởng.

Nhật Bản hiện đang xếp thứ 2 trong danh sách các quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới, tuy chế độ ăn uống lành mạnh có thể đóng vai trò quan trọng nhưng nhiều người Nhật tin rằng Ikigai có liên quan nhiều đến tuổi thọ và cuộc sống hạnh phúc của họ.

Theo Ken Mogi – nhà thần kinh học và tác giả của nhiều bài báo khoa học, cho biết Ikigai là một công cụ mạnh mẽ để giúp một cá nhân tìm kiếm mục đích sống và có được một cuộc đời viên mãn hơn

  • Xây dựng lối sống và làm việc lý tưởng
  • Tạo dựng các kết nối xã hội có ý nghĩa
  • Tạo ra sự cân bằng lành mạnh giữa cuộc sống và công việc
  • Giúp bạn tận hưởng công việc của mình và theo đuổi đam mê

2. Nguồn gốc của Ikigai và tại sao thuật ngữ này lại trở nên phổ biến?

Ikigai bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ Heian (794 – 1185) và được phát triển rộng hơn bởi Mieko Kamiya – một nhà tâm lý học nổi tiếng người Nhật, qua cuốn sách nổi tiếng “ikigai ni tsuite” được xuất bản năm 1966. Người ta cho rằng Ikigai được coi là một nét văn hóa nổi tiếng tại quần đảo Okinawa (Nhật Bản), và ngày càng trở nên phổ biến không chỉ đối với người cao tuổi mà còn cả với thế hệ trẻ ở Nhật và trên toàn thế giới.

Có thể thấy dù Ikigai đã có lịch sử lâu đời ở Nhật và một số khu vực khác của châu Á, nhưng thuật ngữ này chỉ thực sự được biết đến rộng rãi hơn trên toàn cầu sau khi cuốn sách “Ikigai: The Japanese Secret to a Long and Happy Life” (tạm dịch: Ikigai – Bí Mật Sống Trường Thọ Và Hạnh Phúc Của Người Nhật) của tác giả Héctor García và Francesc Miralles được xuất bản vào năm 2016.

Mặc dù Ikigai thường được gắn với việc tìm kiếm mục đích sống, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là đối với bộ phận người Nhật thì đây được coi là một khái niệm dùng trong hàng ngày hơn. Nó có thể chỉ đề cập đến những niềm vui nhỏ nhặt mà không nhất thiết ám chỉ đến một mục đích ý nghĩa lớn lao.

3. Các thành phần chính của Ikigai

Từ biểu đồ Ikigai dưới đây, bạn có thể thấy có 4 yếu tố chính đan chéo vào nhau – 4 yếu tố cốt lõi trong khái niệm Ikigai. Điểm trung tâm trong biểu đồ, nơi 4 vòng tròn chồng lên nhau, chính là Ikigai của bạn – nơi mà bạn sẽ tìm thấy sự cân bằng để dẫn đến cuộc sống có giá trị và hạnh phúc.

Các thành phần của Ikigai
Các thành phần của Ikigai

3.1. Sứ mệnh

Trong khi xác định Ikigai đòi hỏi sự tập trung vào điều khiến bản thân cảm thấy có ý nghĩa thì bạn cũng cần nhìn ra thế giới bên ngoài để xem họ cần gì ở mình. Hãy tự hỏi làm thế nào để bản thân có thể đóng góp cho xã hội phát triển tốt đẹp hơn?

3.2. Đam mê

Để tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc sống, cá nhân bạn cũng cần phải cảm nhận được niềm vui trong việc hoàn thành sứ mệnh to lớn ở trên. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải xác định được điều gì làm bạn cảm thấy yêu thích nhất và tiếp tục làm điều đó trong suốt cuộc đời mình. 

3.3. Sự nghiệp

Ikigai có nghĩa là tạo ra được sự khác biệt trong cuộc sống cả về mặt cá nhân lẫn chuyên môn. Tìm thấy được cảm giác thỏa mãn trong mặt công việc chính là yếu tố cốt lõi để xây dựng một Ikigai toàn diện. Hãy tìm kiếm một sự nghiệp mà khơi dậy được sự quan tâm và mang lại niềm vui cho bản thân.

3.4. Chuyên môn

Nếu bạn có thể xác định được điều mà bạn có năng khiếu và có thể làm tốt thì bạn đã nắm trong tay một yếu tố cốt lõi khác của Ikigai. Đặc biệt đối với các thế hệ người trẻ ngày nay, hãy cố gắng xác định xem mình có tài năng nào hay hy vọng có thể phát triển tài năng nào đó. Dành mỗi ngày để làm những điều mình yêu thích và giỏi có thể dẫn bạn đến một cuộc sống hạnh phúc hơn.

4. 10 quy tắc của Ikigai

Ikigai có 10 quy tắc nhằm cung cấp hướng dẫn cụ thể về cách để sống một cuộc đời viên mãn và có ý nghĩa.

4.1. Hãy luôn để bản thân hoạt động

Nhiều người cho rằng những ai từ bỏ điều họ yêu thích và có khả năng làm tốt sẽ đánh mất đi mục đích sống của mình. Vì vậy, hãy tiếp tục làm những điều có ý nghĩa và giữ cho bản thân được bận rộn, ngay cả sau khi đã nghỉ hưu.

4.2. Sống chậm lại

Duy trì nhịp sống thư thái có thể giúp bạn tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc và nâng cao lối sống chánh niệm. Việc sống chậm lại cũng giúp bạn nhận thức rõ hơn trong việc đưa ra các quyết định, làm chủ thời gian và dành năng lượng cho những điều mình thực sự cần.

4.3. Không ăn uống quá no

Ikigai nhấn mạnh đến việc ăn uống điều độ vì khi ăn quá nhiều có thể dẫn đến tình các vấn đề về sức khỏe. Thực tế, người Nhật có nguyên tắc 80% – chi ăn no đến 80% thay vì nhồi nhét thức ăn và thường nhắc nhở bản thân đừng ăn quá no trước hoặc trong bữa ăn bằng câu nói “腹八分目 – hara hachi bunme – ăn no 8 phần”.

4.4. Bao quanh bản thân với những người tốt

Nhà văn Ishikawa Tatsuzo từng nói “Giới trẻ ngày nay thường nói họ không tìm được Ikigai trong cuộc sống thì điều này cũng hiển nhiên thôi bởi lẽ họ cứ tự cô lập bản thân đi, còn Ikigai thì chỉ có thể được tìm thấy trong mối quan hệ giữa người với người”. 

Không có các mối quan hệ xã hội và đặc biệt là tình bạn thì chúng ta sẽ không thể trải nghiệm sự kết nối, những khoảnh khắc thân mật, không thể chia sẻ niềm vui, hy vọng, khó khăn hay sự sợ hãi với bất kỳ ai. Tuy nhiên, nếu chúng ta gặp gỡ và nói chuyện với bạn bè thì mọi thứ sẽ khác rất nhiều so với dành thời gian một mình.

4.5. Giữ cho cơ thể khỏe mạnh mỗi ngày

Duy trì hoạt động thể chất là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn luôn khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Bởi cơ thể bạn cần được nuôi dưỡng hàng ngày để có thể hoạt động bền bỉ. Ngoài ra, việc tập thể dục hay hoạt động thể chất cũng sẽ giải phóng hormone endorphin và serotonin khiến ta hạnh phúc hơn và giảm tình trạng căng thẳng.

4.6. Luôn mỉm cười

Hãy nhớ luôn duy trì thái độ tích cực, ngay cả khi đối mặt với thử thách, có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Nhận diện những khó khăn tồn tại là điều cần thiết, nhưng cũng đừng quên rằng cuộc sống là một thế giới đầy những khả năng và cơ hội để bạn phát triển.

4.7. Kết nối với thiên nhiên

Dù ngày nay, cuộc sống hiện đại khiến con người sống hầu hết ở khu vực đô thị thành phố, nhưng con người vốn thuộc về thế giới tự nhiên từ những ngày đầu. Vì vậy mà chúng ta nên tiếp xúc thường xuyên với thiên nhiên để nạp lại năng lượng, giảm căng thẳng và thư giãn tinh thần. 

Ở Nhật Bản có một hoạt động chánh niệm tên là “shinrin-yoku” (tạm dịch là ‘tắm rừng’) giúp ta tái kết nối với thiên nhiên để trẻ hóa cơ thể và cho tâm trí được nghỉ ngơi thông qua việc tiếp xúc với thiên nhiên qua cả năm giác quan: thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác.

4.8. Thực hành lòng biết ơn

Hãy dành một khoảng thời gian trong ngày để thực hành lòng biết ơn với những gì bạn có ở hiện tại, bao gồm cả các mối quan hệ và trải nghiệm sẽ giúp nuôi dưỡng sự hài lòng trong cuộc sống. 

Có nhiều nghiên cứu trong những thập kỷ qua đã chỉ ra rằng những người có lòng biết ơn thường ít gặp các vấn đề về sức khỏe thông thường như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa…

4.9.  Sống trọn vẹn cho hiện tại

Tận hưởng mọi khoảnh khắc trong hiện tại chính là cách tốt nhất giúp bạn trải nghiệm cuộc sống một cách đầy đủ nhất, giảm bớt lo âu về quá khứ hay tương lai. Nếu để ý bạn có thể thấy, từ lúc thức dậy vào buổi sáng đến lúc đi ngủ, chúng ta liên tục bao vây tâm trí bởi lo âu này đến lo lắng khác mà quên mất đi sự hiện diện trọn vẹn trong từng khoảnh khắc thực tại. 

Eckhart Tolle cũng từng nói “khoảnh khắc hiện tại là tất cả những gì chúng ta có”, vì vậy hãy thực hành sống tỉnh thức và tập trung toàn bộ cảm xúc, tâm trí của mình cho hiện tại ngay lúc này.

4.10. Hãy theo đuổi Ikigai của mình

Bên trong mỗi một người đều có một đam mê hay khía cạnh nào đó mang lại ý nghĩa riêng biệt và thúc đẩy bạn cống hiến những gì tốt nhất của bản thân cho đến giây phút cuối cùng. Vì vậy, nếu bạn chưa biết Ikigai của mình là gì thì sứ mệnh trước hết của bạn chính là hãy khám phá ra nó. 

Như Ken Mogi đã viết trong cuốn “The Little Book of Ikigai”, Ikigai không đến từ một hệ giá trị duy nhất mà đến từ sự phong phú của chính những điều nhỏ bé nhất và không nhất thiết phải phục vụ một mục đích lớn lao nào đó trong cuộc sống.

5. Quy trình 3 bước xác định Ikigai

Khi biết được Ikigai của bản thân và hiểu được ý nghĩa của nó, bạn sẽ có thể khám phá được công việc hòa hợp với bản thân và cân bằng giữa mong muốn, đam mê của mình với những gì mà xã hội thực sự cần.

Quy trình 3 bước xác định Ikigai
Quy trình 3 bước xác định Ikigai

Bước 1:  Trả lời một số câu hỏi cơ bản để khám phá Ikigai

Bạn yêu thích điều gì?

Nếu bạn đang có một công việc cụ thể:

  • Bạn có đam mê công việc của mình không?
  • Bạn có hào hứng đi làm hơn khi bạn tạm dừng làm việc không?
  • Bạn có bất kỳ kết nối cảm xúc nào với kết quả công việc mình đạt được không?

Nếu bạn có sở thích cụ thể:

  • Bạn có sở thích nào bạn không thể ngừng làm hay không?
  • Bạn có hào hứng với sở thích đó hơn bất kỳ điều gì khác hay không?
  • Bạn có kết nối cảm xúc đặc biệt với sở thích đó không?

Bạn giỏi điều gì?

Nếu bạn đang có một công việc cụ thể:

  • Mọi người có xin bạn lời khuyên về các vấn đề liên quan đến công việc bạn đang làm hay không?
  • Có phần nào trong công việc bạn cảm thấy dễ dàng không?
  • Bạn có phải người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình không?
  • Bạn có muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình không?

Nếu bạn có sở thích cụ thể:

  • Mọi người có khen ngợi sở thích của bạn hay không?
  • Bạn có thấy sở thích của mình dựa vào trực giác hay bản năng không?
  • Bạn có phải là một trong những người giỏi nhất không?
  • Bạn có mong muốn trở thành chuyên gia trong sở thích của mình không?

Thế giới và xã hội cần gì?

Nếu bạn đang có một công việc cụ thể:

  • Công việc của bạn có được coi là có nhu cầu cao trên thị trường không?
  • Hình dung trong 10 hay 100 năm nữa, liệu công việc của bạn có còn giá trị không?
  • Bạn có đang giải quyết vấn đề về xã hội, kinh tế hay môi trường không?

Nếu bạn có sở thích cụ thể:

  • Sở thích của bạn có được yêu cầu cao hay được mong muốn trên thị trường không?
  • Sở thích của bạn có còn giá trị trong tương lai hay không?
  • Sở thích của bạn có đang giải quyết vấn đề về xã hội, kinh tế hay môi trường không?

Bạn có thể được trả tiền để làm gì?

Nếu bạn đang có một công việc cụ thể:

  • Có những người khác cũng được trả tiền cho công việc tương tự mà bạn đang làm không?
  • Bạn có thể kiếm nhiều tiền từ công việc của mình không?
  • Có mức độ cạnh tranh lành mạnh trong công việc của bạn không?

Nếu bạn có sở thích cụ thể:

  • Có người nào đã kiếm tiền từ những việc tương tự với sở thích của bạn chưa?
  • Có ai xung quanh bạn ngỏ ý mua những gì bạn có thể tạo ra từ sở thích của mình chưa?
  • Có mức độ cạnh tranh lành mạnh cho những gì bạn có thể tạo ra hay không?

Nếu bạn trả lời “có” cho mỗi câu hỏi trong phần “Nếu bạn đang có một công việc cụ thể”, hãy tiếp tục làm những gì bạn đang làm mỗi ngày.

Nếu bạn trả lời “có” cho mỗi câu hỏi trong phần “Nếu bạn có sở thích cụ thể” thì bạn có thể chuyển tiếp sang bước 2 để bắt đầu biến những sở thích của mình trở thành sự nghiệp đáng mơ ước.

Bước 2: Dành thời gian suy ngẫm để tìm Ikigai

Hãy hình dung một ngày lý tưởng của bạn và đặc biệt chú ý đến cảm xúc của mình, viết chúng ra và điều chỉnh sao cho phù hợp với những gì bạn yêu thích, những gì bạn làm giỏi và những gì mà xã hội cần. Mục tiêu chính là bạn nên tìm ra được niềm vui trong công việc và chúng phải hòa hợp với mục đích sống của bạn.

Bước 3: Học hỏi sâu và rộng hơn để tìm Ikigai

Khi đã có được hình dung nhất định trong đầu, hãy cân nhắc thêm việc học hỏi, nghiên cứu, tham gia các khóa học hay thậm chí là tìm người đồng hành/cố vấn để khám phá xem liệu tầm nhìn của bạn có đáp ứng được với những kỳ vọng trong thực tế hay không. 

Cũng cần lưu ý rằng, tìm thấy Ikigai không có nghĩa là bạn sẽ cảm thấy thoải mái với mọi khía cạnh của con đường đó. Mà ở đây, bạn đã sẵn sàng chấp nhận cả những phần không hoàn hảo.

6. Những khó khăn phổ biến khi tìm kiếm Ikigai của bản thân

Bạn cảm thấy choáng ngợp với những sự thay đổi lớn

Hãy chia nhỏ hành trình này thành từng bước nhỏ, thay vì nghĩ rằng phải thay đổi hoàn toàn sự nghiệp hiện tại thì hãy bắt đầu với việc dành thời gian để nghiên cứu những doanh nghiệp mà bạn quan tâm, học hỏi và trau dồi những kỹ năng cần thiết…

Những hành động dù nhỏ nhưng tích lũy theo thời gian sẽ tạo bước đệm để bạn tiến xa hơn trong tương lai dài hạn.

Bạn không tìm được thời gian bởi hiện tại cuộc sống đã quá bận rộn

Thay vì tìm kiếm những khoảng thời gian rảnh lâu dài thì hãy tận dụng từng khoảng trống nhỏ trong lịch trình hàng ngày. Bạn có thể sử dụng giờ nghỉ trưa để phác thảo kế hoạch sắp tới, bạn có thể nghe thêm podcast khi đang di chuyển… Hãy bắt đầu dù với chỉ 15 phút mỗi ngày nhưng duy trì đều đặn thay vì chờ đợi đến thời điểm “hoàn hảo”.

Bạn cảm thấy sợ hãi và lo lắng

Cảm giác sợ thất bại hay phải thay đổi là điều tự nhiên nhưng đừng để nó quyết định thay cho bạn. Khi sự lo âu xuất hiện, hãy thừa nhận những cảm xúc suy nghĩ đó và vẫn tiếp tục hành động, dù là những bước nhỏ nhất – đây chính là cách tốt nhất để chứng minh với bản thân rằng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát những lo lắng này.

Ikigai là một hành trình dài trong cả cuộc đời chứ không phải một điểm đến, nó cho thấy được sự phát triển, cống hiến và hạnh phúc của mỗi cá nhân trong từng khoảnh khắc thực tại. Vì vậy, hãy sử dụng Ikigai để tạo ra sự khác biệt tích cực cho chính bản thân và đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội!

Tham gia group cộng đồng của 1Academy để cập nhật những tin tức & sự kiện mới nhất!

Zalo phone