Growth Mindset hay Tư duy phát triển lần đầu được giới thiệu bởi Giáo sư Tâm lý học người Mỹ Carol S. Dweck và các cộng sự trong nghiên cứu tại Đại học Stanford. Đây được coi là một thuật ngữ quan trọng trong tâm lý học, đào tạo và phát triển cá nhân, đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho rất nhiều người trên toàn thế giới.

Vậy Growth Mindset là gì và làm thế nào để phát triển hướng tư duy này? Trong bài viết này, 1Academy sẽ giúp bạn hiểu rõ về lý thuyết đằng sau Growth Mindset và cách để rèn luyện tư duy này hiệu quả nhất!

1. Growth Mindset là gì?

Growth Mindset (tạm dịch là Tư duy phát triển) là một loại hình tư duy cho rằng khả năng, kỹ năng và trí tuệ của mỗi người có thể được cải thiện và phát triển thông qua những nỗ lực, sự học hỏi và rèn luyện đúng đắn. 

Tư duy phát triển được dựa trên niềm tin rằng những đặc điểm vốn có của mỗi người đều có thể được bồi đắp qua thời gian bằng sự cố gắng, nỗ lực và sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Mặc dù mỗi người là một cá thể độc nhất về mặt tài năng vốn có, mối quan tâm hay tính cách, nhưng ai cũng có thể thay đổi và tiến bộ qua những trải nghiệm và rèn luyện thực tế. 

Trong cuốn sách “Mindset: The New Psychology of Success”, Carol Dweck đã nhấn mạnh rằng những người có Tư duy phát triển sẽ xem thử thách là cơ hội thay vì giới hạn.

growth mindset là gì
Growth Mindset là gì?

Một trong những yếu tố then chốt để phát triển Growth Mindset chính là thuật ngữ “neuroplasticity” (tạm dịch là “tính linh hoạt của não bộ”). Đây là khả năng thay đổi và thích nghi của não bộ để đáp ứng với những trải nghiệm và thử thách mới. Khi chúng ta liên tục tham gia vào các công việc hay hoạt động mang tính thách thức chẳng hạn như học một kỹ năng mới hay giải quyết những vấn đề khó thì não bộ sẽ hình thành các kết nối thần kinh mới và củng cố những kết nối đã có. Theo thời gian, điều này sẽ cải thiện đáng kể khả năng tư duy và hiệu suất tổng thể của mỗi cá nhân.

Nguyên lý cốt lõi đằng sau lý thuyết Growth Mindset là:

  • Trí tuệ và tài năng đều có thể phát triển: Khả năng của mỗi người là không cố định mà có thể cải thiện qua thời gian.
  • Thất bại chính là bài học: Vấp ngã hay thất bại không phải là dấu chấm hết mà chính là bước đệm để đạt đến thành công.
  • Thành công không phải là biến số ngẫu nhiên mà đến từ chính sự kiên trì và học hỏi liên tục.

Nếu ta tìm hiểu sẽ thấy mọi thiên tài vĩ đại trên thế giới đều có những xuất phát điểm đầy khó khăn và phải trải qua bao nhiêu nỗ lực, cam kết thì mới đạt được đến đỉnh cao. Nhiếp ảnh gia Cindy Sherman, người từng xuất hiện trong hầu hết các danh sách những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, đã trượt khóa học nhiếp ảnh đầu tiên cô tham gia. Hay như Geraldine Page, một trong những nữ diễn viên vĩ đại nhất, đã từng được khuyên là nên từ bỏ nghề diễn vì không có năng khiếu.

2. Sự khác biệt giữa Growth Mindset và Fixed Mindset

Fixed Mindset (tạm dịch là Tư duy cố định) là hướng tư duy tin rằng những phẩm chất, trí tuệ, tài năng và khả năng của mỗi cá nhân là yếu tố bất biến, bẩm sinh và không thể thay đổi. Họ có xu hướng né tránh những thử thách mới, dễ mất động lực và thấy bế tắc trước những khó khăn/thất bại.

sự khác biệt giữa growth mindset và fixed mindset
Sự khác biệt giữa Growth Mindset và Fixed Mindset

Khi hiểu được Tư duy cố định và Tư duy phát triển, bạn sẽ thấy rằng nếu có niềm tin vào sự phát triển của phẩm chất thì sẽ dẫn đến chuỗi những suy nghĩ và hành động hoàn toàn khác.

Tiêu chí xem xét Growth Mindset Fixed Mindset
Niềm tin về khả năng Có thể phát triển thông qua học hỏi và nỗ lực Cố định, không thể thay đổi và dựa vào tài năng bẩm sinh
Thái độ với thách thức Cảm thấy thích thú, coi đây là cơ hội để phát triển Tránh né, coi đây là mối đe dọa
Phản ứng với thất bại Học hỏi từ thiếu sót, kiên trì hơn sau vấp ngã Chán nản, dễ từ bỏ khi gặp khó khăn
Cách tiếp nhận phản hồi Chấp nhận, xem xét để cải thiện bản thân Phớt lờ hoặc cảm thấy bị chỉ trích
Động lực Đến từ mong muốn được tiến bộ và học hỏi Đến từ mong muốn được công nhận

 

Fixed Mindset khiến cá nhân cảm thấy an toàn và thỏa mãn với những thứ sẵn có, nhưng khi gặp phải khó khăn thì dễ dàng bỏ cuộc, từ chối cơ hội để học hỏi hoặc lo sợ bị người khác đánh giá, sợ để lộ những thiếu sót của bản thân.

Còn với Growth Mindset thì cá nhân sẽ luôn cảm thấy hứng thú khi gặp thử thách, sẵn sàng đối mặt thất bại như một cơ hội để học hỏi và phát triển hơn là quan tâm đến sự xét nét của người xung quanh.

Ví dụ: Tưởng tượng bạn vừa nộp đơn đăng ký học Thạc sĩ. Bạn nộp đơn vào một trường duy nhất vì bạn chỉ mong muốn được theo học tại trường đó. Và bạn tự tin rằng mình sẽ được chấp nhận vì vì mọi người đánh giá bạn có thành tích và kinh nghiệm, hoạt động tốt và tương đối xuất sắc. Nhưng đến cuối cùng thì bạn lại bị từ chối.

Phản ứng của người có tư duy cố định: Đầu tiên sẽ tự thuyết phục bản thân rằng do đầu vào của trường đó quá cạnh tranh nên kết quả bị từ chối thực chất không phản ánh đúng thực lực của mình. Và rồi bạn sẽ tự nghi ngờ bản thân, cho rằng đó chỉ là đang cố hợp lý hóa sự thất bại và hẳn là thành tích của mình quá tầm thường. Cuối cùng, bạn sẽ tự kết luận rằng bạn không xứng đáng để theo học tại ngôi trường đó.

Phản ứng của người có tư duy phát triển: Đầu tiên là cần lấy lại sự tự tin cho bản thân và nghĩ về mục tiêu của mình, cần phải làm gì để theo đuổi được mục tiêu đó. Có thể bạn sẽ nộp đơn vào nhiều trường khác ở đợt sau, tìm hiểu những thông tin để có thể xây dựng một hồ sơ ứng tuyển tốt,…

3. Tầm quan trọng của Growth Mindset

Thúc đẩy sự phát triển cá nhân

Từ việc học hỏi và rèn luyện liên tục, người có Tư duy phát triển có thể tích lũy và trau dồi lượng lớn kiến thức và kỹ năng mới, mở ra một loạt những cơ hội mới và nhanh chóng phát triển bản thân.

Họ hiểu rằng tất cả những trải nghiệm hay thậm chí là vấp ngã sẽ đều mang lại cơ hội học hỏi. Chính điều này thúc đẩy quá trình hoàn thiện bản thân không ngừng nghỉ, bản thân sẽ không bị giới hạn bởi khả năng hiện tại mà luôn tìm cách để rèn dũa kỹ năng, nâng cao tri thức và sự hiểu biết của mình.

Cải thiện hiệu suất làm việc

Trong công việc hay học tập thì thì những người có Tư duy phát triển thường sẽ dám nghĩ và dám làm mà không ngại rủi ro. Họ không ngại thử nghiệm những ý tưởng mới khác lạ và dễ dàng thích nghi với sự thay đổi, phản ứng linh hoạt trước những tình huống khác nhau.

Tăng cường khả năng đối mặt với khó khăn

Tư duy phát triển sẽ giúp bạn vượt qua mọi thử thách bằng việc coi đó như những cơ hội để rèn luyện. Điều này đặc biệt quan trọng trong những giai đoạn áp lực cao hay khó khăn.

Khi thường xuyên đặt ra các mục tiêu mới và nỗ lực để đạt được chúng, cả khía cạnh thể chất và tinh thần của bạn cũng sẽ được trau dồi để trở nên bền bỉ hơn.

Ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục và nuôi dạy trẻ nhỏ

Trong giáo dục, việc khuyến khích học sinh phát triển Tư duy phát triển sẽ giúp chúng yêu thích việc học tập những điều mới, vượt qua những áp lực về điểm số và tin tưởng vào khả năng của chính mình để vượt qua mọi khó khăn một cách tích cực.

Đồng hành và tạo điều kiện để con trẻ tự tin phát triển Tư duy Phát triển và khả năng của mình, trẻ sẽ không ngừng tiến bộ và tận hưởng được niềm vui trong quá trình học hỏi suốt đời.

4. Cách kiến tạo và phát triển Growth Mindset hiệu quả

4.1. Nhìn nhận và đánh giá lại năng lực tư duy của bản thân

Trước khi có thể phát triển Growth Mindset, bạn cần hiểu rõ hiện tại mình đang đi theo hướng nào và tư duy của bạn thuộc Growth Mindset hay Fixed Mindset.

tự hỏi bản thân xem mình thuộc Tư duy phát triển hay Tư duy cố định
Nhìn nhận và tự đánh giá xem mình thuộc kiểu tư duy nào

Hãy đọc từng câu sau và tự quyết định xem bạn đồng tình với chúng hay không nhé:

  1. Trí tuệ hay trí thông minh là một yếu tố thuộc cốt lõi của mỗi người và không thể thay đổi
  2. Dù trí thông minh có thế nào thì tôi vẫn có thể thay đổi và phát triển nó từng chút một
  3. Học tập là quá trình cả đời và tôi yêu thích việc học thêm những kiến thức mới
  4. Chỉ có một số ít những người cực kì tài giỏi và đó là tài năng bẩm sinh của họ
  5. Có công mài sắt có ngày nên kim, càng chăm chỉ kiên trì thì tôi sẽ ngày càng giỏi lên
  6. Những lần thất bại chính là cơ hội quý giá để học hỏi và phát triển
  7. Tôi cảm thấy lo lắng và có xu hướng né tránh những thử thách hay thử những điều mới.
  8. Tôi cảm thấy tiêu cực, khó chịu khi nhận được phản hồi hoặc phê bình
  9. Tôi trân trọng những đánh giá, nhận xét từ mọi người và tin rằng chúng sẽ giúp tôi cải thiện những điểm còn thiếu sót
  10. Nếu đã thử một thứ gì đó nhiều lần và vẫn không khá lên được thì có lẽ nó không dành cho tôi
  11. Khi tôi không làm tốt ở điều gì đó lúc đầu thì tôi vẫn sẽ cố gắng rèn luyện để hoàn thành tốt hơn.
  12. Những người thông minh bẩm sinh thì không cần phải cố gắng quá nhiều để đạt được thành công

Câu 1, 4, 7, 8, 10, 12 mang lối tư duy cố định còn câu 2, 3, 5, 6, 9, 11 thể hiện tư duy phát triển. Bạn đã đồng ý với hướng tư duy nào nhiều hơn? Bạn có thể chọn cả hai hướng nhưng phần lớn sẽ đều có một lối tư duy chiếm vị thế áp đảo tư duy còn lại. 

Đừng chỉ phán xét bản thân nếu có lối tư duy cố định mà trước tiên là bạn cần nhận ra chúng để thấy được điểm mình cần thay đổi và chuyển dần sang lối tư duy phát triển. 

4.2. Thay đổi lối tư duy cố định

thay đổi lối tư duy cố định
Thay đổi lối Tư duy cố định

Tư duy về bản chất là một tập hợp những niềm tin và ở trong tâm trí mỗi người, mà chúng ta lại hoàn toàn có thể kiểm soát được tâm trí của mình. Chính vì vậy, việc chuyển từ tư duy cố định sang tư duy phát triển là hoàn toàn có thể, nhưng sẽ đòi hỏi bạn cần thay đổi cả về cách nhìn nhận khả năng của mình cũng như các thách thức, khó khăn trong cuộc sống.

  • Khi có những suy nghĩ tiêu cực như “Tôi không thể nào làm được điều này”, hãy chuyển sang hướng tích cực hơn như “Tôi có thể chưa làm được điều này nhưng nếu cố gắng thì tôi sẽ tiến bộ lên thôi”.
  • Học cách chấp nhận thất bại, coi mỗi lần vấp ngã/thất bại là cơ hội khác để học hỏi
  • Ghi nhận những nỗ lực dù là nhỏ nhất thay vì chỉ tập trung vào kết quả thành bại cuối cùng

4.3. Đặt mục tiêu phát triển rõ ràng

Mục tiêu cụ thể không chỉ giúp định hướng mà còn thúc đẩy bạn trong quá trình học hỏi và phát triển bản thân. 

Mục tiêu này nên có thời hạn rõ ràng, có tính khả thi và đo lường được. Sau khi đã xác định được thì bạn nên chia nhỏ, phân tách mục tiêu lớn thành từng bước nhỏ và theo dõi đánh giá tiến trình để đạt được mục tiêu đó. 

Ví dụ, nếu mục tiêu là học một ngôn ngữ mới thì hãy chia nhỏ thành từng giai đoạn như học từ vựng, luyện ngữ pháp, học nghe và nói,…

Khi đã có một kế hoạch hành động chi tiết thì bạn sẽ biết được liệu mình có đang phát triển đúng hướng và với từng bước nhỏ một thì bạn sẽ cảm thấy dễ dàng để chinh phục hơn.

4.4. Chủ động học hỏi và tìm kiếm sự hỗ trợ

Việc tìm đến các sự hỗ trợ, sẵn sàng học hỏi từ người khác các nguồn thông tin mới và cả những kinh nghiệm thành bại cũng là một phần quan trọng trong hành trình phát triển.

chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ

Để thực hiện điều này thì bạn có thể:

  • Đọc thêm sách, tham gia vào các hội nhóm/cộng đồng học tập hay cộng đồng chuyên môn để cùng chia sẻ và phát triển. 
  • Tìm kiếm mentor cho bản thân, họ sẽ giúp bạn nhận thấy được điểm mạnh/điểm yếu và có định hướng phát triển phù hợp
  • Các công cụ, tài nguyên trực tuyến như Coursera hay Udemy cũng là những nguồn tài nguyên quý giá để học hỏi. 

Chủ động học hỏi và tìm kiếm hỗ trợ sẽ giúp bạn mở rộng góc nhìn, tiếp cận đến nhiều ý tưởng mới và phát triển toàn diện hơn. 

Phát triển Growth Mindset hay Tư duy phát triển là một hành trình đòi hỏi sự tự nhận thức và nỗ lực cố gắng không ngừng. Hy vọng với bài viết trên, 1Academy đã giúp bạn hiểu được Growth Mindset là gì, ý nghĩa của tư duy này và làm thế nào để rèn luyện tư duy phát triển cho bản thân!

Tham gia group cộng đồng của 1Academy để cập nhật những tin tức & sự kiện mới nhất!

Zalo phone